Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

[Văn hóa-Dân Việt] - Hữu đức, đa tài của họ Mạc ở Hà Tiên

Vừa là một võ tướng trấn thủ miền biên viễn, lại vừa là con chim đầu đàn Tao đàn Chiêu Anh Các, tập hợp ngót “tam thập lục kiệt” trong xứ và hải ngoại đủ chứng tỏ Mạc Thiên Tích không chỉ là bậc võ công hiển hách mà còn là hữu đức đa tài...

Nhân kỷ niệm 300 năm Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên (Giáp Ngọ 1714 – Giáp Ngọ 2014).

Năm Giáp Ngọ (1714) đời Hiển Tông, Cửu xin nội phụ, phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, đóng ở Phương Thành. Từ đấy nhân dân tụ họp mỗi ngày một đông... (Đại Nam nhất thống chí).

Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục, sau khi cho biết “có được xem nguyên bản khắc gỗ mười bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên của Mạc Thiên Tứ”, ông viết: “Xem đó chúng ta cũng không nên bảo ở ngoài miền biển không có văn chương vậy”.

Lăng họ Mạc.Vừa là một võ tướng trấn thủ miền biên viễn, lại vừa là con chim đầu đàn Tao đàn Chiêu Anh Các, tập hợp ngót “tam thập lục kiệt” trong xứ và hải ngoại đủ chứng tỏ Mạc Thiên Tích không chỉ là bậc võ công hiển hách mà còn là hữu đức đa tài, văn chương trác tuyệt! Uy danh lẫy lừng của Mạc Thiên Tích không thể không gây ấn tượng tình cảm tốt đẹp đối với đương thời và hậu thế.

Chỉ nói về văn học thôi cũng đủ để các văn nhân trong nước và hải ngoại nghiêng mình, bởi văn ông đích thị là “văn dĩ tải đạo”! Thật đúng như thế, đọc hai bài thơ Lộc Trĩ thôn cư và Lư Khê ngư bạc của Mạc Thiên Tích, Lê Quý Đôn nhận xét: “Xem hai bài thơ trên đây, người ta cũng đủ biết chí khí của tác giả”.
Lăng MạcThiênTích.Cái chí khí đó như thế nào? Dựa dẫm triều đình để sách nhiễu nhân dân? Chờ thời cơ làm loạn để “riêng một góc trời” kiểu Từ Hải “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”? Hay cúc cung tận tụy với chúa Nguyễn ngõ hầu đáp đền trong muôn một “ơn vua lộc nước”?

Ta nghe Mạc Thiên Tích trong những câu thúc kết thơ ông:

- Bài Giang Thành dạ cổ: "Lược thao đem đáp tình minh chúa. Nước Việt biên thùy vững núi sông".

- Bài Lư Khê ngư bạc: "Xiêu giạt cười ta ngoài biển rộng. Hóa long chưa dễ gặp thời cơ".

(Phiêu linh ở ngoài cõi mênh mông mà tự cười mình. Muốn giúp cho con cá con rồng mà chưa thể được).

- Bài Đông Hồ ấn nguyệt: "Cá rồng tỉnh giấc chi tan vỡ. Một tấm lòng băng vẫn chói chang".

Dưới đây là Lời bình thơ họ Mạc của Đông Hồ:

- Bình câu kết bài thơ luật nôm Lộc Trĩ thôn cư: “Nào phải vào núi mượn cảnh Chung Nam, giả tiếng ẩn cư để cho đời lưu ý, mượn nẻo tắt làm quan, mục đích để mưu đồ danh lợi khiến cho con chim con chóc cũng mỉa mai, con hươu con vượn cũng bàn về hành động bất chính của họ”.

- Bình bài thơ luật nôm Kim Dữ lan đào: “Đối với biển Bắc [Bắc hải, chỉ nước Tàu] thì giữ được thế lực chắc chắn vững vàng; đối với trời Nam [Nam thiên, chỉ chúa Nguyễn Đàng Trong] thì dựng được công lao to lớn đồ sộ”.

- Và hai câu bài thơ nôm Khúc vịnh Châu Nham lạc lộ: "Quen cây như thể người quen chúa. Dễ đổi nghìn cân một tấc son!".

Bình: “Sau khi phòng vệ giữ gìn cho lãnh thổ quốc gia trong ngoài đều được yên lành, trên dưới đều được no ấm, rồi thì đem chánh lịnh mà cai trị, lấy nhân nghĩa mà ban bố cho khắp chốn xa gần đều được hưởng nhờ, ví như dòng nước lai láng chứa chan tràn ngập khắp trăm sông nghìn lạch”.

Trong Mạc thị gia phả: “Tây Sơn nghe nói Công (chỉ Mạc Thiên Tích) đang ở Kiên Giang, bèn sai một viên tỳ tướng dẫn hơn năm chục dũng sĩ và đem thư tới dụ Công đầu hàng. Nhưng Công nói: “Nhà ta thờ Nam triều đã hai đời nay, lòng ta như sắt đá, dẫu có chết cũng không thay đổi chí khí của mình, lẽ đâu ta lại dám cùng bọn giặc làm chuyện trái với đạo trời được?...”.

Được tin quân Tây Sơn đã đem Thượng hoàng về Gia Định, Công Da (Vũ Thế Dinh, tác giả Mạc thị gia phả, gọi cha nuôi Mạc Thiên Tích) ta liền ngửa mặt kêu trời thật lớn rồi khóc hơn mười ngày và than rằng: “Từ nay trở đi ta không còn mặt mũi nào để nhìn Nam triều nữa!”.

Và “Nghe tin Thái Công (tiếng gọi Mạc Cửu một cách tôn kính) mất, xa gần đều thương khóc như mất cha mất mẹ mình vậy” (…) “Công dùng uy đức mà thuyết phục giặc ngoài, lấy nhân từ mà vỗ về con dân, cả bốn phương đều được an vui làm ăn sinh sống.

Công tự nghĩ rằng thiên triều có dân đông, vạn vật đều phong phú trù mật, lại thường được mưa thuận gió hòa nên càng cường thịnh hơn, nay khắp thiên hạ đều là con dân của thiên triều, nếu mình không biết ân huệ lớn của triều đình mà tự ý chuyên hưởng lợi lộc là trái với đại đạo của kẻ bề tôi thờ thiên tử.

Nghĩ vậy Công bèn dâng biểu, tự trình bày thể lệ rằng sẽ xin phụng nạp đầy đủ lễ vật triều cống cùng các thứ thuế khóa đúng ba năm một lần, lấy đó làm thường lệ. Triều đình khen Công có lòng trung thành, liền xuống chiếu chuẩn y cho. Từ đó những món quý giá do các nước hải ngoại đem đến biếu tặng, Công Da ta không dám giữ riêng thứ gì mà đều tiến cống cho thiên tử” (*).

Nhờ chí khí, uy vũ và lòng trung thành với thiên triều (chúa Nguyễn) nên Tổng binh trấn Hà Tiên Cửu Ngọc Hầu Mạc Cửu được “đương thời được người ta khen là vị Bồ tát xuất thế” (Gia Định thành thông chí). Ông đã “chiêu tập các nước hải ngoại đến buôn bán. Tàu thuyền đi lại rộn rịp.

Người Việt, người Đường, người Liêu, người Man kéo đến trú ngụ làm ăn, hộ khẩu ngày càng trù mật, và tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp mọi nơi” (Mạc thị gia phả), làm cho Hà Tiên trở nên sầm uất với cảnh “đường lối tiếp giáp, phố sá liên lạc, người Việt, người Tàu, người Cao Miên Đồ Bà đều theo chủng loại cư trú, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây không dứt, thật là một đại đô hội ở nơi góc biển vậy” (Gia Định thành thông chí).

Khởi điểm, “Trấn Hà Tiên nước An Nam ngày xưa là một vùng hoang mãng. Từ khi tiên quân tôi khai sáng đến nay đã hơn ba mươi năm, nhân dân mới được yên cư sinh sống, và đã hơi biết trồng cây cấy lúa…” (bài Tựa sách Hà Tiên thập vịnh do Khâm sai Đô đốc Tôn Đức Hầu Mạc Thiên Tích viết, Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ Biên tạp lục, t. II, q.5);

Họ Mạc đã làm cho Hà Tiên “ngày thêm phồn thịnh, nhân dân ở yên cày cấy, trồng trọt, phong vật phồn hoa, thuyền buôn đi lại tấp nập, cũng là một đất vui ở miền biển” (Lịch triều hiến chương loại chí, t. I); “Đường phố quán xuyến, phố sá liên tiếp, người Kinh (Việt), nhười Trung Quốc, người Cao Miên, người Chà Và chia khu mà ở. Tàu biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi, thật là một nơi đô hội ở miền biển vậy” (Đại Nam nhất thống chí, t. V, tỉnh Hà Tiên)…
Lăng Mạc Cửu.
Nhờ sự khai phá, kinh dinh của các tiên nhân, và liên tục trải các thời được cộng đồng các dân tộc anh em tích cực xây dựng bảo vệ, Hà Tiên tuy bao phen bị nhấn chìm trong biển lửa do nhiều bọn giặc ngoại xâm tàn hại, cảnh vật tàn hoang…

Nhưng với tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân mà toàn vùng Tây sông Hậu, bao gồm địa bàn trấn Hà Tiên xưa, vùng bán sơn địa tứ giác Long Xuyên, cả đến miền Thất Sơn hiểm dị dọc dài theo biên giới Việt Nam – Campuchia, cuộc sống người dân hôm nay đã từng bước được nâng cao. Không ít vùng sâu, vùng xa dần dần được đô thị hóa, trở nên phồn hoa đô hội. Hàng loạt thành phố mọc lên…, đến mức không thể không gây ngạc nhiên mọi người.

Trang lịch sử đã lật qua. Ở đó, cho dù ngay từ giai đoạn đầu rất hào hùng rạng rỡ hay những lúc rơi vào tình cảnh hết sức bi tráng thảm sầu…, nét chung nhất đã được khẳng định là, họ Mạc ở Hà Tiên đã bao đời nay vẫn cứ một mực “Ăn cây nào rào cây nấy”!

Chính vì vậy, và với đạo lý “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ người đào giếng”, không chỉ các công trình văn hóa – lịch sử của họ Mạc được bảo vệ, trùng tu, dựng tượng đài, đặt tên đường, tên trường, tên tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang… mà các công trình văn hóa phi vật thể cũng được hết sức trân trọng giữ gìn, sưu tầm, kế thừa và phát huy giá trị di sản.

Đặc biệt, Kiên Giang đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “250 năm Tao đàn Chiêu Anh Các, 1736 - 1986” tại Rạch Giá trong 2 ngày 13 & 14.11.1986. Hội thảo đã thống nhất đánh giá qua Lời kết thúc Hội nghị của Chủ tọa đoàn: “Công lao của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và họ Mạc với địa phương, với dân tộc là điều khẳng định. Chúng ta cần biểu dương xứng đáng công lao này”.

(*) Kể cả khi vua Miên dâng 5 phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quình để đền ơn giúp đỡ, Mạc Thiên Tích đem hết đất ấy dâng cho chúa Nguyễn. Chúa cho sáp nhập vào Hà Tiên trấn, giao cho họ Mạc cai quản. Mạc Thiên Tích chia đất đó thành Kiên Giang đạo và Long Xuyên đạo (Cà Mau), đặt quan cai trị, chiêu lập dân ấp.

XEM THÊM
Bí ẩn lời truyền và kho báu dòng họ Mạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét