Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Thế giới-Báo Đất Việt] - Ai Cập, Syria:Bài học đau đớn khi bỏ Liên Xô theo TQ

(Quan hệ quốc tế) - Ngoài những chiến đấu cơ bị phi công các nước Arập đánh cắp mang sang Israel, Liên Xô còn nếm nhiều “trái đắng” trong hợp tác quân sự với các nước Arập.

Hải quân Liên Xô từng bị tàn phá dưới thời Khrusov Cách người Do Thái khắc chế MiG Liên Xô

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, vùng đất Palestine trở thành một vùng lãnh thổ ủy trị dưới sự cai quản của người Anh. Trước đó, từ nửa sau thế kỷ thứ XIX, rất nhiều người Do thái từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về vùng đất này với hy vọng thành lập một nhà nước Do thái tại nơi mà họ cho là lãnh thổ lịch sử của tổ tiên họ.

Nguyệnvọngtrên của người Do thái được cả Mỹ và Liên Xô hăng hái ủng hộ, dù mỗi bên đều có các toan tính khác nhau. Ngay từ năm 1921, được sự hậu thuẫn của Liên Xô, Đảng cộng sản Palestine (theo nghĩa Palestine là một vùng lãnh thổ chứ không phải là người Palestine theo cách hiểu hiện nay) được thành lập.

Chính phủ Liên Xô khuyến khích và hỗ trợ những người Do thái về định cư tại khu vực này với hy vọng là sẽ xây dựng được một quốc gia xã hội chủ nghĩa ngay tại trung tâm của khu vực Trung Đông. Còn Mỹ tích cực hỗ trợ các tổ chức Zionist (các tổ chức của người Do thái) với tính toán là các tổ chức này sẽ là nòng cốt cho một nhà nước Do thái thân Mỹ (Israel ngày nay không chỉ thân và còn là đồng minh chiến lược của Mỹ).

Mùa Thu năm 1947, trong các khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngoại trưởng Liên Xô A. Gromyko đã nhiều lần đòi hỏi phải thành lập một nhà nước Do thái độc lập, Mỹ rất ủng hộ và vì thế ngày 25/11/1947, Đại hội đồng LHQ đã ra nghị quyết chia Palestine thành hai khu vực, thành lập nhà nước Do thái và nhà nước Arập, Jerusalem có quy chế là một thành phố quốc tế (chính vì thế mà khi V.Stalin mất, Israel đã tổ chức quốc tang mặc dù lúc này hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao). Ngay ngày hôm sau, 26/11/1947, cuộc chiến tranh giữa Israel và các nước Arập bùng nổ vì các nước Arập không chấp nhận sự tồn tại một nhà nước Do thái tại khu vực này.

Liên xô đứng hẳn về phía các nước Arập

Việc Liên Xô từ lập trường ủng hộ việc thành lập một nhà nước Do thái quay sang sang hỗ trợ các nước Arập trong các cuộc chiến với Israel là cả một câu chuyện dài, xin đề cập ở dịp khác.

Chỉ biết rằng, trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 với Israel, Quân đội Ai Cập bị thiệt hại nặng nề, nhất là không quân và lực lượng tăng - thiết giáp. Ngày 5/6/1967, Israel bắt đầu chiến dịch “Udar Siona” (Cú đấm của Xion). Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, Lực lượng không quân Ai Cập gần như bị xóa sổ.

Các máy bay Israel bay thành từng đoàn bổ nhào xuống các sân bay của đối phương ở Bán đảo Sinai, đồng bằng sông Nil và bắn thẳng vào các máy bay Ai Cập đang đậu trên sân bay. Hơn 2/3 máy bay Ai Cập bốc cháy ngay tại các sân bay, không một chiếc nào kịp cất cánh.

Sang ngày 6/6, gần 3/4 xe tăng và xe chiến đấu của Ai Cập mới được Liên Xô cung cấp đã bị máy bay và xe tăng Israel tiêu diệt tại khu vực Mistla trong trận chiến giành bán đảo Sinai.

Ngày 11/6/1967, Chính phủ Liên Xô lại một lần nữa tuyên bố sẽ chuyển giao vũ khí (viện trợ không hoàn lại) đủ để bù đắp cho Ai Cập tất cả những tổn thất trong các trận đánh trên bán đảo Sinai.

Đến giữa năm 1968, số lượng máy bay chiến đấu của Không quân Ai Cập đã đạt mức trước chiến tranh, và đến năm 1969, số xe tăng của nước này thậm chí còn nhiều hơn số lượng tăng thiết giáp đã có trước cuộc chiến 6 ngày.

Từ tháng 7/1969, Không quân Israel bắt đầu không kích Ai Cập. Mặc dù đã có được những máy bay và phương tiện phòng không hiện đại nhất của Liên Xô thời đó, Ai Cập vẫn chịu những tổn thất nặng.

Các máy bay F-4 và Skyhawk mà Mỹ cũng mới cung cấp cho Israel liên tục bắn hạ các máy bay MiG do phi công Ai Cập điều khiển, còn tên lửa SAM -2 Xô Viết cũng do các kíp trắc thủ Ai Cập điều khiển đã không hạ được một chiếc máy bay nào của đối phương. Chỉ trong năm 1969, Ai Cập dã mất 48 máy bay trong khi Israel chỉ mất 5 chiếc.

Ngày 22/1/1970, Tổng thống Ai Cập Nasser đến Moscow và đã có buổi trao đổi rất lâu với L. Breznhev (Tổng bí thư) và Grechko (Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô). Sau khi chê bai chất lượng của vũ khí Liên Xô như thường lệ, ông này yêu câu Liên Xô đưa quân vào Ai Cập và yêu cầu này được chấp thuận.


Tổng thống Ai cập Nasser

Đến giữa tháng 2/1970, đã có 1.500 quân nhân Xô Viết đến Cairo và sau đó con số này tăng lên tới 20.000 người. Người được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng Liên Xô tại Ai Cập là tướng Okunhev – vị tướng phòng không được coi là giỏi nhất Liên Xô thời kỳ đó.

Tướng Okunhev, sau khi đến Ai Cập đã bố trí hệ thống phòng không của Ai Cập thành 3 khu vực phòng không (3 tuyến). Khu vực một kéo dài 30 km từ kênh Suez sâu vào trong nội địa Ai cập và tại đây bố trí 120 tổ hợp tên lửa và 6 trạm radar.

Tiếp theo sau là khu vực phòng không số hai có 60 tổ hợp tên lửa phòng không và 300 máy bay tiêm kích- ném bom. Khu vực ba kéo dài đến bờ sông Nil, tại khu vực này có 90 tổ hợp tên lửa và 150 máy bay tiêm kích (dĩ nhiên, máy bay và tên lửa, radar đều của Liên Xô).

Các chuyên gia Xô Viết tự mình bảo dưỡng và sử dụng các tổ hợp tên lửa, tự mình lái MiG và Su tham chiến.

Sự hiện diện của các cố vấn quân sự và chuyên gia Xô Viết đã có tác động tức thời và từ mùa xuân năm 1970, cục diện cuộc chiến đã có những thay đổi căn bản.

Do ngại đụng độ với các phi công và hệ thống phòng không Xô Viết, phía Israel chấm dứt các cuộc không kích Cairo và Alexandria. Các cuộc không chiến trên bầu trời kênh đào Suez vẫn tiếp tục, nhưng lần này không chỉ có mình MiG và Su bị bắn hạ, mà là cả F-4 và Mirage.

Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ được một phen ngạc nhiên không mấy thú vị khi F-4, vốn được coi là “không thể tiếp cận” đối với các hệ thống phòng không, đã bị SAM-3 bắn hạ (xin nói lại là SAM-3).

Tháng “trăng mật” nhanh chóng qua đi

Sau cuộc chiến 6 ngày, Ai Cập và Syria vô cùng cần viện trợ của Liên Xô nên đã yêu cầu Liên Xô đưa quân vào như đã nói ở trên. Nhưng sau đó, quan hệ giữa 2 nước này với “Người bạn phương Bắc” dần xấu đi.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo nhiều chuyên gia thì có lẽ nguyên nhân hàng đầu là do tính cách dân tộc giữa những người Nga và người Arập quá khác nhau. Các quân nhân Liên Xô sống ở khu vực riêng, được bảo vệ cẩn mật và không bao giờ đi một mình vào thành phố, không thích tham gia vào các phi vụ buôn bán trao đổi với người Arập.

Người Ai Cập vì thế cho rằng người Nga kiêu ngạo và khó hợp tác. Có thể tóm tắt thái độ của người Ai Cập đối với binh lính Xô Viết bằng câu nói như sau: “Chúng tôi cảm ơn người Nga vì bom đã không còn rơi xuống đầu chúng tôi nữa, nhưng chúng tôi không thích họ”.

Về phần mình, các chuyên gia Nga hết sức phẫn nộ trước những lời chỉ trích chất lượng vũ khí Xô Viết mà họ thường xuyên phải nghe đồng thời cũng cực kỳ thất vọng trước trình độ kỹ thuật yếu kém của các chuyên gia Ai Cập, thêm nữa, họ cũng không hiểu mình chiến đấu tại đây vì cái gì. Trong con mắt của những người lính Nga, binh sỹ Ai Cập và Syria là những người hèn nhát, trình độ kỹ thuật và sử dụng vũ khí - khí tài kém, không muốn và không dám chiến đấu.

Chính vì thế mà những loại vũ khí và khí tài mới chỉ các chuyên gia Liên Xô mới được phép bảo dưỡng, sử dụng, người Arập không được tiếp cận. Mâu thuẫn tích tụ đến mức người Ai Cập có ấn tượng những người lính Nga không phải là bạn mà là những kẻ chiếm đóng.


Cố lãnh đạo Libya M. Gadafi

Thêm nữa, nhà lãnh đạo Libay M. Gadafi (mới bị lật đổ năm 2011) lại đổ thêm dầu vào lửa trong một lần đến thăm Cairo. Ông này nói với Tổng thống Ai Cập A.Sadat (người kế nhiệm Nasser từ tháng 9/1970) là người Ai Cập đã là khách ngay trên đất nước mình, bởi vì người chủ thực sự ở nước này chính là người Nga.

Nhằm chứng minh cho nhận xét của mình, M. Gadafi đề nghị A. Sadat cùng đến thăm một căn cứ Xô Viết bất kỳ để “mục sở thị”. Cả hai Tổng thống lên xe đến căn cứ quân sự Liên Xô ở Mersa- Matrukh.

Đúng như Gadafi cảnh báo trước, các binh sỹ gác cổng đã không cho hai ông này vào căn cứ cho đến khi có sự can thiệp trực tiếp của đích thân đại sứ Liên Xô tại Cairo Vinogradov. A. Sadat coi đây là một sự sỉ nhục cá nhân và không bao giờ tha thứ cho điều đó.


Tổng thống Ai cập A.Sadat

Tuy nhiên, không chỉ có vậy. Liên Xô không muốn có một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông và điều đó càng làm tăng mâu thuẫn giữa hai nước. Sau khi thăm Liên Xô vào giữa năm 1971, qua các buổi trao đổi với giới lãnh đạo nước này, A. Sadat hiểu rằng đối với Liên Xô, việc khôi phục lại tuyến đường hàng hải qua kênh đào Suez quan trọng hơn nhiều so với việc giúp các nước Arập lấy lại các lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.

Liên Xô muốn giải quyết xung đột Arập- Israel bằng giải pháp hòa bình. Nhưng cả Ai Cập lẫn Syria đều không chấp nhận bất kỳ một thỏa hiệp nào. Họ không muốn đàm phán với một quốc gia mà ngay sự tồn tại của của nó đã là một điều không thể chấp nhận được.

Một mâu thuẫn nữa không thể giải quyết là dòng người di cư gốc Do thái từ Liên Xô đến Israel – Liên Xô ngấm ngầm khuyến khích trong khi Ai Cập cho rằng đây là tiến trình “tăng sức ép của chủ nghĩa đế quốc Do thái đối với nhân dân Palestine” (và lo ngại này là có cơ sở, trong số những người Do thái đến từ Liên Xô và con cháu của họ đã có những tướng lĩnh nổi tiếng gây rất nhiều phiền toái cho các nước Arập như tướng “Meir (Slutski) và tướng Sharon mới qua đời cách đây không lâu).

Giọt nước làm tràn ly là việc Liên Xô từ chối cung cấp cho Ai Cập những loại vũ khí mới nhất của Công nghiệp quốc phòng Xô Viết vì không muốn Ai Cập lại khởi động một cuộc chiến mới.

Và tất cả đã kết thúc khi chiều ngày 18/7/1973, Đài phát thanh Ai Cập truyền đi tuyên bố của tổng thống A. Sadat: “Đất nước Ai Cập đã giành lại được tự do: tất cả các cố vấn quân sự Xô Viết phải chuyển giao ngay toàn bộ vũ khí- trang thiết bị kỹ thuật quân sự cho Quân đội Ai Cập và rời Ai Cập”.

Quan hệ giữa Liên Xô với Syria cũng không tốt đẹp hơn. Trên khắp các bức tường ở Damascus dày đặc các hàng chữ: “Ivan, hãy cút đi”. Không những thế, Tổng thống Hafez Assad (Assad cha) bắt đầu mua vũ khí từ một kẻ thù không đội trời chung của Liên Xô (lúc bấy giờ) là Trung Quốc (dĩ nhiên, đằng sau đó còn nhiều thỏa thuận khác khiến Moscow điên tiết).

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Syria thăm Trung Quốc và hai bên thống nhất về việc Trung Quốc cung cấp các tên lửa cho nước này mà không hề có tham vấn gì với phía Liên Xô.


Tổng thống Syria Hafez Assad

Ngày 13/9, chỉ trong một trận không chiến trên biển Địa Trung Hải, các “con ma” (F-4) của Israel đã bắn hạ 13 MiG-21 của Syria. Syria yêu cầu Liên Xô cung cấp cho mình loại MiG-23 mới nhất nhưng Liên Xô vẫn từ chối với quan ngại là cung cấp nó không khác gì khuyến khích nước này khởi động chiến tranh.

Gần như ngay lập tức, Syria cũng tuyên bố tống khứ các cố vấn quân sự Xô Viết về nước.

Ngày 4/10, những chiếc máy bay Liên Xô đầu tiên hạ cánh xuống các sân bay ở Cairo và Damascus để di tản gia đình các cố vấn và chuyên gia Xô Viết. Cùng ngày, tất cả các tàu quân sự Liên Xô rời cảng Alexandria, kết thúc một thời gian hợp tác quân sự không mấy có hậu với Ai cập và Syria.

Hai ngày sau, ngày 6/10, Ai Cập và Syria lại tấn công Israel. Cuộc chiến tranh này còn được gọi là cuộc chiến ngày phán xét 1973. Quân đội Ai Cập và Syria với 3.225 xe tăng, 946 máy bay chiến đấu và 430.000 tay súng đối đầu với Quân đội Israel có trong tay 1.700 tăng, 488 máy bay chiến đấu và 115.000 binh sỹ.

Trong cuộc chiến tranh này, sự kiện đáng chú ý nhất là trận đấu tăng lớn nhất sau thế chiến thứ hai (quy mô chỉ sau trận đấu tăng ở Vòng cung Kursk) từ 6 giờ sáng đến tối ngày 14/10/11973. Có hơn 2.000 tăng của cả hai bên tham gia. Kết quả đến tối cùng ngày: 264 tăng của Ai cập bị tiêu diệt trong khi Israel mất 10 chiếc.

Đến năm 1976, tổng thống A.Sadat chính thức xé bỏ “Hiệp ước về hữu nghị và hợp tác” mà Ai Cập đã ký với Liên Xô trước đó.

Lê Hùng (Tổng hợp)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét